Màu tím hoa sim Hữu Loan: Cảm nhận, Phân tích và Bình giảng

màu tím hoa sim hữu loan và hình ảnh minh họa Màu tím hoa sim Hữu Loan: Cảm nhận, Phân tích và Bình giảng

Màu tím hoa sim Hữu Loan là một tác phẩm để lại nhiều dư âm gắn liền với tên tuổi của nhà thơ. Tứ thơ đã thể hiện nỗi lòng riêng của tác giả nhưng gây nhiều xúc động và để lại sự đồng cảm của biết bao trái tim người đọc… Trong nội dung bài viết dưới đây, hãy cùng Aiti-aptech.edu.vn tìm hiểu, cảm nhận, phân tích và bình giảng về tác phẩm Màu tím hoa sim Hữu Loan. 

Mở bài: Tình yêu vốn là tình cảm rất thiêng liêng trong đời sống của con người. Với lứa đôi, tình cảm ấy khiến họ có vô vàn những trải nghiệm trong xúc cảm: có xao xuyến, ngại ngùng trong buổi đầu rung động; có nhớ nhung, mong chờ những lúc cách xa; có rạo rực, hân hoan trong những lần gặp gỡ; nhưng cũng có những xót xa, đắng cay khi cách trở… Với những dòng viết trong tác phẩm “Màu tím hoa sim”, Hữu Loan đã cho người đọc thấy một lát cắt trong những cảm xúc nói trên. Đó là sự đau đớn nghẹn ngào với câu chuyện tình xót lòng của con người trong hoàn cảnh bom đạn của chiến tranh.

Nội dung chính bài viết

Hoàn cảnh ra đời tác phẩm Màu tím hoa sim Hữu Loan 

“Màu tím hoa sim” là một tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Hữu Loan. Bài thơ được ra đời vào năm 1949 ngay trên chính quê hương của nhà thơ. Theo nhiều nhà nghiên cứu, đây là thời điểm mà người vợ của Hữu Loan, bà Lê Đỗ Thị Ninh không may qua đời.

Như đã nói, hoàn cảnh ra đời của bài thơ gắn bó với một sự kiện đau buồn trong cuộc đời tác giả khi người vợ mà ông hết mực yêu thương rời xa ông. Bà Lê Đỗ Thị Ninh vốn là ái nữ của ông Lê Đỗ Kỳ, vốn là một kỹ sư canh nông và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Tổng Thanh tra Canh nông Đông Dương và là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. 

Năm Hữu Loan 26 tuổi, gia đình ông Lê Đỗ Kỳ đã mời Hữu Loan về dạy học cho ba người con trai lớn, lúc này cô Ninh còn ở độ tuổi rất bé, chỉ mới 8 tuổi. Sau nhiều năm tiếp xúc, gia đình ông bà Lê Đỗ Kỳ đã dành cho thầy giáo trẻ Hữu Loan rất nhiều thiện cảm, lúc này Lê Đỗ Thị Ninh cũng đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp còn Hữu Loan lại là một chiến sĩ rất tích cực tham gia kháng chiến. 

Thế nên, bố mẹ cô Ninh muốn tác thành cho Hữu Loan và con gái của mình nên duyên vợ chồng. Vậy là một đám cưới đã diễn ra như một kết thúc đầy hi vọng cho anh chiến sĩ và cô thiếu nữ một cách rất mộc mạc, giản đơn dù gia đình cô dâu là một gia đình tư sản có đủ điều kiện để thu xếp chu toàn. 

Thế nhưng, không lâu sau đó, khi Hữu Loan còn đang làm nhiệm vụ thì bàng hoàng nghe tin người vợ nơi quê nhà đã lìa đời ngay những nơi có mọc rất nhiều những cây hoa sim tím, vốn là loài hoa gợi nên rất nhiều những kỉ niệm tình yêu của hai người. Chính nỗi nhớ khôn nguôi về người vợ đã khuất bóng đã chắp bút cho nhà thơ viết nên những lời nghẹn ngào, chua xót của bài thơ “Màu tím hoa sim”. Do đó, từng câu chữ được ông viết ra, ta cũng thấy thấp thoáng trong đó câu chuyện của chính tác giả.

Đọc Thêm  3 điểm thẳng hàng là gì? Bài tập chứng minh 3 điểm thẳng hàng

Màu tím hoa sim Hữu Loan đã từng xuất hiện trên tờ “Trăm hoa” của Nguyễn Bính năm 1956, trong bản in của bài thơ thường có thêm phần trích dẫn trong ngoặc đơn: “Khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh”. Do chạm đến sự xúc động, xót xa của người đọc mà đã có rất nhiều người chép tay lại bài thơ và lưu truyền rộng rãi trong công chúng yêu thơ mặc dù trong thời gian đầu xuất hiện, bài thơ được cho là mang tính chất ủy mị, khiến cho tinh thần chiến đấu của người chiến sĩ ít nhiều bị ảnh hưởng.

màu tím hoa sim hữu loan và hình ảnh minh họa Màu tím hoa sim Hữu Loan: Cảm nhận, Phân tích và Bình giảng

Cảm nhận Màu tím hoa sim Hữu Loan về một tình yêu đẹp cách xa

Mối tình đẹp nhưng sớm chia xa

Những dòng thơ đầu của Màu tím hoa sim Hữu Loan đã tái hiện một lát cắt đẹp về câu chuyện thành hôn của nhân vật trữ tình. Sau khi giới thiệu sơ lược hoàn cảnh gia đình “nàng”, nhà thơ đã chia sẻ về sự bắt đầu cho chuyện thành đôi. Đó là sự bắt đầu từ tình cảm chân phương mà người chiến sĩ dành cho “nàng” như tình cảm dành cho một người em gái bé nhỏ:

 “Nàng có ba người anh đi bộ đội

Những em nàng

Có em chưa biết nói

Khi tóc nàng xanh xanh….

Tôi người Vệ quốc quân

xa gia đình

Yêu nàng như tình yêu em gái”

Sống trong hoàn cảnh xa gia đình, lại là người chiến sĩ cách mạng dù chiến đấu ở bất kì một nơi nào cũng đau đáu hình bóng quê nhà, thế nên dễ hiểu “tôi” rất trân trọng tình cảm mà đồng bào, mọi người dành cho mình. Do đó, mỗi một nơi mà người lính đặt chân qua, những người mà họ từng tiếp xúc đều để lại trong họ những ấn tượng sâu đậm. 

Người lính trong bài thơ, bằng sự cảm mến dành cho người con gái tuổi xuân thì có mái tóc “xanh xanh”, anh đã rất mừng lòng khi tình cảm ấy của anh và “nàng” lại hữu duyên gắn kết bền lâu. Thế rồi, họ đã tay trong tay đi đến ngày chung đôi, dù đơn sơ nhưng thật hạnh phúc:

“Ngày hợp hôn

nàng không đòi may áo mới

Tôi mặc đồ quân nhân

đôi giày đinh

bết bùn đất hàn quân

Nàng cười xinh xinh

Bên anh chồng độc đáo”

Cô dâu ngày thành đôi hiện lên với những vẻ đẹp thật đáng quý. Trong ngày cưới của một người con gái, họ có quyền xuất hiện thật lung linh như một nàng công chúa để sánh bước bên hoàng tử của cuộc đời mình và ra mắt họ hàng, bạn bè đôi bên. Thế nhưng nàng dâu mới này lại không hề đòi hỏi cho mình những điều chính đáng ấy, ngay cả chiếc áo mới cho cô dâu, nàng cũng không đòi may. 

Có lẽ nàng hiểu hoàn cảnh vào thời điểm diễn ra đám cưới, mọi người cũng đang phải đối diện với những cam go, thách thức của chiến tranh nên đám cưới nếu được thì nên tổ chức tối giản nhất có thể. Lễ phục của chú rể cũng rất đặc biệt với“đồ quân nhân”“đôi giày đinh”“bết bùn đất hành quân”. Ấy vậy mà “nàng” vẫn không hề muộn phiền mà trái lại còn bộc lộ niềm hạnh phúc trên miệng “cười xinh xinh” khi sánh bên anh chồng “độc đáo”.

Thành hôn trong thời chiến, đôi lứa yêu nhau phải chấp nhận viễn cảnh phải hi sinh tình cảm riêng tư để vẹn tròn việc nước. Chính khoảng thời gian ngắn ngủi bên nhau cùng với hoàn cảnh không tránh khỏi sự hi sinh, mất mát trong chiến tranh đã làm dâng lên trong lòng người chiến sĩ mới lập gia đình những lo lắng về sự hợp – tan. Suy nghĩ ấy dường như lúc nào cũng thường trực trong lòng anh, nhất là những lúc ở chiến khu xa mà “nhớ về ái ngại”, lo lắng lại trào dâng khôn nguôi:

“Từ chiến khu xa

Nhớ về ái ngại

Lấy chồng thời chiến binh

Mấy người đi trở lại

Nhỡ khi mình không về

thì thương

người vợ chờ

bé bỏng chiều quê …”

Những vần thơ trên đã nói lên hết nỗi lòng của người chiến sĩ khi anh đặt mình vào vị trí của vợ. Anh rất sợ những cái “nhỡ” kia sẽ trở thành sự thật. Quả thật sinh mệnh của con người trong thời chiến binh chỉ là những gì rất mỏng manh, leo lét bởi nó có thể bị sự tàn khốc, ác liệt của cuộc chiến làm cho đứt rời rất nhanh chóng, dễ dàng. 

Đọc Thêm  Đừng vội bỏ qua kết quả xổ số miền Bắc hôm qua nếu bạn muốn đổi đời

Tuy nhiên, nhắc đến sự hi sinh, ta không thấy mảy may sự nghẹn ngào của người chiến sĩ cho chính thân phận mình mà lại quan tâm đến cảm xúc của những “người vợ chờ” “bé bỏng chiều quê”. Tưởng tượng đến điều không may ấy, anh rất cảm thương cho số phận của họ vì đời người phụ nữ khi thành hôn có lẽ cũng chỉ mong có một mái ấm hạnh phúc, có một điểm tựa để được yêu thương, che chở. 

Nhưng lấy chồng trong thời chiến, cuộc đời ấy của họ như bị đem vào đánh cược với những được – mất, may – rủi khó lòng đoán trước. Bản thân những người chồng khi ngóng về quê nhà, họ cũng hiểu rằng ở nơi đó có những người luôn chờ đợi mình trở về, nhưng tương lai về ngày đoàn viên ấy, ngay chính anh cũng không thể hứa hẹn trước điều gì.

Sự ra đi của người vợ bé bỏng                      

Cảm nhận Màu tím hoa sim Hữu Loan ta thấy người chiến sĩ ở phương xa luôn canh cánh một nỗi lo về sự hi sinh không lường trước được của đời lính sẽ mang lại những đau đớn khôn nguôi cho những người thân thương chốn quê nhà. Thế nhưng, đến trong mơ, anh cũng không thể tưởng tượng được, điều anh lo là “Nhỡ mình không về” thì không xảy ra mà khi anh trở về, anh không còn cơ hội gặp lại người vợ yêu thương của mình nữa:

 “Tôi về

không gặp nàng

Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối”

Cái chết của “người gái nhỏ hậu phương” được kể ra bằng giọng ức nghẹn của nhân vật trữ tình. Cái chết ấy nói lên một nghịch cảnh phi lí, ngang trái mà số mệnh đã giáng xuống hạnh phúc lứa đôi. Khói lửa nơi chiến trường chưa thể tước đoạt mạng sống của người chiến sĩ như lẽ thường trong thời chiến nhưng sự đột ngột của cuộc đời lại cướp đi sinh mệnh của người vợ bé bỏng, thân thương. 

Cuộc hôn nhân chưa kịp đắp bồi cho trọn vẹn thì đôi lứa lại lìa tan. Ngày người vợ tiễn chồng ra tiền phương đâu hay lại là ngày cuối cùng gặp gỡ. Hình ảnh người mẹ “ngồi bên mộ con đầy bóng tối” mà người chiến sĩ nhìn thấy ngày trở về chốn cũ có lẽ sẽ mãi là hình ảnh ám ảnh, đau đớn nhất của cuộc đời anh. Câu thơ diễn tả khung cảnh lúc trở về bị ngắt ra thành từng nhịp nhỏ như tái hiện lại tiếng nấc đau đớn, ngỡ ngàng trong hoàn cảnh trớ trêu. 

Bẽ bàng hơn nữa, đau đớn hơn nữa có lẽ được gợi ra từ hình ảnh “chiếc bình hoa ngày cưới” với sắc màu tươi thắm thể hiện niềm hi vọng cho sự thành đôi được viên mãn thì giờ đây lại trở thành “bình hương tàn lạnh vây quanh”. Tất cả còn lại trong lòng người bộ đội lúc này là sự tiếc thương về hạnh phúc được làm vợ của người con gái tuổi xuân xanh chưa tày gang chưa trọn mà phút cuối biệt ly lại cách xa vời vợi:

“Tóc nàng xanh xanh

ngắn chưa đầy búi

Em ơi giây phút cuối

không được nghe nhau nói

không được trông nhau một lần”

Và vóc dáng bé nhỏ, đáng yêu trong chiếc áo màu tím, niềm yêu thích dành cho loài hoa sim cùng hình bóng ân cần ngồi vá áo cho chồng chỉ còn lại trong hai tiếng “ngày xưa”:

“Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím

áo nàng màu tím hoa sim

Ngày xưa

Một mình đèn khuya

bóng nhỏ

Nàng vá cho chồng tấm áo

ngày xưa…”

Trong lòng những người thân, sự ra đi của nàng cũng để lại những tổn thương to lớn. Với ba người anh trai đang chiến đấu trên chiến trường, tin dữ “em gái mất” còn đến trước cả tin “em lấy chồng”, với đứa em gái nhỏ chưa biết nói năm nào, giờ chỉ còn có thể hình dung gương mặt chị qua tấm ảnh. Những điều ấy khiến cho nỗi đau mất mát còn nhân lên gấp bội.

Đọc Thêm  Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải – Ngữ Văn 9

Rừng sim và câu chuyện tình tôi của tác giả

Ở phần sau Màu tím hoa sim Hữu Loan, nhà thơ đã nhắc nhiều đến loài hoa sim tím, nhất là trên chặng đường hành quân có duyên gặp thấy:

“Chiều hành quân

Qua những đồi hoa sim

Những đồi hoa sim

những đồi hoa sim dài trong chiều không hết”

Sắc tím trải dài cũng như nỗi nhớ da diết khôn nguôi về một bóng hình đã khuất xa. Màu tím hoa sim được gọi nhắc nhiều có lẽ là vì đó là màu mà vợ người chiến sĩ rất yêu quý bởi nó gợi tình nghĩa thủy chung và nhớ mong chờ đợi. Thế nên, sắc màu nhuộm thắm trong không gian bao nhiêu thì cũng bát ngát trong lòng người trai khói lửa bấy nhiêu. Chỉ có một điều, ngoài những ý nghĩa thể hiện tấm lòng son sắt, chân thành thì sắc tím ấy giờ đây còn là màu của sự chia phôi, biệt ly và nước mắt:

“Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm

Tím tình ơi lệ ứa

Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành

Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn

Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím

Tôi ví vọng về đâu

Tôi với vọng về đâu”

Cảm nhận Màu tím hoa sim Hữu Loan, ta thấy những câu thơ vang lên thật day dứt, nghẹn lòng và đặc biệt đoạn nhắc đến hình ảnh chiếc áo trong dòng viết có ý tứ của ca dao “Áo anh sứt chỉ đường tà”“Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu” đã cho thấy đớn đau tột độ trước sự đứt gánh của duyên vợ chồng khi những niềm hạnh phúc của hôn nhân – người chiến sĩ chỉ được đón nhận trong phút chốc.

Đánh giá bài thơ khi phân tích Màu tím hoa sim Hữu Loan 

Bài thơ Màu tím hoa sim Hữu Loan đã mang lại những ấn tượng sâu sắc cho người đọc trên nhiều phương diện. Ở mặt nghệ thuật, điểm đặc sắc trước hết có thể kể đến là giọng thơ chảy trôi rất tự nhiên, tình cảm, càng về sau lại càng thổn thức và da diết. Các từ láy, tượng thanh, tượng hình, danh từ…, nhất là sự điệp lại của từ “hoa sim” và từ “tím” đã làm nổi bật bản chất thắm thiết, thủy chung và chia ly, chờ đợi trong tác phẩm. 

Hình thức trình bày trong Màu tím hoa sim Hữu Loan cũng là một điểm đáng chú ý khi tác giả ngắt dòng các câu thơ thành từng đoạn ngữ âm để sau mỗi đoạn, người đọc lại thấy sự trầm lặng, lắng sâu của cảm xúc. Có lẽ nỗi đau mà nhân vật phải chịu đựng quá lớn nên khi tự sự lại thì cần những lúc dừng lại cho sự ngậm ngùi chăng?.

Chính những đặc điểm đặc sắc về nghệ thuật ấy đã giúp Hữu Loan bộc lộ được cảm xúc chân thật và nỗi đau thương của anh Vệ quốc quân khi người vợ yêu quý qua đời. Thế nên, nó giúp ta sống biết quý trọng những điều bình dị, giản đơn nhưng gần gũi, thân thuộc trong đời sống của bản thân bởi một khi những điều ấy không còn thì ta sẽ khó lòng tìm lại được.

Kết bài: Giờ đây, khi người thi nhân của “Màu tím hoa sim” đã khuất bóng nhưng có lẽ tình cảm chân thành và nỗi niềm sâu nặng mà ông thể hiện trong tác phẩm vẫn được người đời mến mộ và trân trọng mãi về sau…

Dàn ý phân tích Màu tím hoa sim Hữu Loan 

Để giúp bạn nắm được nội dung của bài viết cũng như những ý chính trong tác phẩm, Aiti-aptech.edu.vn sẽ giúp bạn lập dàn ý cảm nhận Màu tím hoa sim Hữu Loan.

Mở bài Màu tím hoa sim Hữu Loan 

  • Giới thiệu đề tài tình yêu trong thời kỳ kháng chiến.
  • Đề cập bài thơ Màu tím hoa sim là tác phẩm nổi tiếng của Hữu Loan.
  • Màu tím hoa sim Hữu Loan đã để lại nhiều xúc động trong lòng đọc giả.

Thân bài Màu tím hoa sim Hữu Loan 

  • Cảm nhận về mối tình đẹp nhưng sớm chia xa.
  • Sự ra đi của người vợ bé bỏng trong Màu tím hoa sim Hữu Loan.
  • Rừng sim cùng câu chuyện tình buồn của nhà thơ Hữu Loan.

Kết bài Màu tím hoa sim Hữu Loan 

  • Tóm tắt giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Màu tím hoa sim Hữu Loan.
  • Trình bày ý nghĩa của tác phẩm và bày tỏ suy nghĩ của bản thân.

“Nghệ thuật là những gì còn lại khi định mệnh bị bôi xóa” (Vũ trụ thơ – Đặng Tiến). Có thể thấy, khi cảm nhận Màu tím hoa sim Hữu Loan đã cho ta thấy vẻ đẹp của tình yêu đôi lứa biết hi sinh vì dân tộc, vì quê hương đất nước. Mong rằng với những phân tích về Màu tím hoa sim Hữu Loan đã giúp ích cho bạn trong quá trình tìm hiểu bài thơ.

Tác giả: Việt Phương

About the Author: aiti-aptech

You May Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *