X
    Categories: Blog

Phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao – Ngữ Văn 11

Phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao trong Ngữ Văn 11 để thấy hình tượng nhân vật Chí Phèo chính là bi kịch điển hình về người nông dân cùng khổ bị xô đẩy đến con đường cùng của cuộc sống. Chí Phèo mang số phận đầy bi thảm khi bị cự tuyệt quyền làm người, quyền được ước mơ với đến hạnh phúc… 

Với bút pháp vô cùng đặc sắc và biến hóa: Lúc kể, lúc tả, lúc triết lí thì thấm thía và trữ tình, khi thì đau đớn xót xa đầy ám ảnh nghệ thuật, đã làm xúc động biết bao tâm hồn người đọc khi phân tích hình tượng nhân vật Chí Phèo. Bên cạnh đó, nhà văn còn vạch ra mối mâu thuẫn giai cấp gay gắt ở nông thôn và tình trạng tha hóa phổ biến trong cái xã hội vô nhân đạo. Qua đó, Nam Cao cũng thể hiện tấm lòng xót thương chứa chan tinh thần nhân đạo với những kiếp người lầm than, khổ cực trong xã hội cũ. Hãy cùng Aiti-aptech.edu.vn tìm hiểu và phân tích nhân vật Chí Phèo qua bài viết dưới đây.

Mở bài: Nam Cao vốn là một nhà văn rất nặng ân tình với những kiếp người sống đời cơ cực, lầm than trong xã hội. Khi viết về những người nông dân nghèo trong xã hội phong kiến, tình cảm ấy của nhà văn ấy được thể hiện rất rõ ràng. Đặc biệt với tác phẩm “Chí Phèo” – một tác phẩm đặc sắc hàng đầu của Nam Cao về hình ảnh người nông dân, Nam Cao đã cho người đọc hình dung rõ nét nhất, chân thực nhất về số phận và bi kịch thảm thương của cuộc đời họ. Thế nhưng, dẫu sống trong cảnh tột cùng của đau đớn, họ vẫn toát lên những vẻ đẹp nhân cách đáng trân trọng.

Nội dung chính bài viết

Đôi nét về tác giả Nam Cao và tác phẩm Chí Phèo

Trước khi phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao cũng như tìm hiểu về giá trị của truyện ngắn, người đọc cần nắm được những nét chính về tác giả cũng như tác phẩm. 

Tìm hiểu về nhà văn Nam Cao

Nam Cao, sinh năm 1917 và mất năm 1951). Ông tên thật là Trần Hữu Tri, quê ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lí Nhân), tỉnh Hà Nam. Nam Cao vốn xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo nhưng rất coi trọng việc học tập. Ông được tạo điều kiện cho học đến hết bậc Thành chung thì Nam tiến để kiếm sống. 

Trong thời gian này, ông bắt đầu sáng tác nhưng do bị bệnh nên phải quay trở về quê. Nhà văn đã trải qua những năm tháng làm “giáo khổ trường tư”, sau đó ông tích cực tham gia các hoạt động cách mạng ở các đoàn thể như tham gia Hội văn hóa cứu quốc, Tổng khởi nghĩa tháng Tám, chiến dịch Biên giới. Năm 1951, khi đang trên đường đi công tác, Nam Cao đã hi sinh vì bị giặc Pháp sát hại.

Nam Cao là một người lạnh lùng, ít nói. Ông có một cuộc sống nội tâm phong phú. Trong tâm trạng của ông luôn có sự giằng co, xung đột để vươn tới ý nghĩ và hành động tốt đẹp. Ngoài ra, ông có sự cảm thương sâu sắc dành cho những người nghèo khổ bị áp bức và kiếp người sống lầm than. Nam Cao có rất nhiều những suy tư về bản thân, về cuộc sống và có rất nhiều những triết lí sâu sắc. Những triết lí đó nhà văn đã đúc rút vào trong những tác phẩm của mình thông qua các nhân vật và các hình tượng nghệ thuật. 

Trong “Giăng sáng”, Nam Cao đã tỏ rõ cách nhìn nhận của mình về quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật, ông cho rằng nghệ thuật nên đồng hành cũng những đau đớn, lầm than của con người: “Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật phải là tiếng đau khổ kia thoát ra từ kiếp lầm than”

Về cách đánh giá giá trị một tác phẩm, Nam Cao dựa trên sự phản ánh của nó về hiện thực ý nghĩa nhân đạo thể hiện trong tác phẩm: “tác phẩm có giá trị phải vượt lên tất cả bờ cõi và giới hạn […]. Nó ca ngợi tình thương, lòng bác ái, sự công bình, nó làm cho người gần người hơn” (“Đời thừa”). Cũng trong tác phẩm “Đời thừa”, tác giả cũng khẳng định trách nhiệm của nhà văn, đó là người vừa sáng tạo, vừa là người chiến sĩ luôn sẵn sàng cống hiến, hi sinh cho công lí và sự công bằng trong xã hội.

Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm Chí Phèo

“Chí Phèo” là một tác phẩm vốn được khai phá từ những chất liệu có thực ở làng Đại Hoàng, song cũng có phần hư cấu để tạo nên một tuyệt phẩm phản ánh cảnh ngộ khốn cùng đến độ khiến cho những người nông dân lầm than như Chí Phèo đã có lúc phải đánh mất đi bản chất thiện lương của mình. Ban đầu, tác phẩm có nhan đề là “Cái lò gạch cũ”. Đến năm 1941, Nhà xuất bản đã đổi tên lại thành “Đôi lứa xứng đôi” và cái tên “Chí Phèo” được đặt lại bởi chính Nam Cao khi in lại trong tập “Luống cày” năm 1946.

Phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao trong Ngữ Văn 11

Phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao được nhìn nhận trên nhiều nét tính cách, trong hoàn cảnh cũng như từng giai đoạn của cuộc đời. Tuy nhiên, để phân tích hình tượng nhân vật Chí Phèo lớp 11 một cách đầy đủ và sâu sắc cần nhìn nhận trên ba phương diện: cuộc sống của Chí trước khi bị tha hóa, bi kịch bị tha hóa cũng như sự khắc nghiệt khi bị cự tuyệt quyền làm người. 

Cuộc sống của Chí Phèo trước khi vào tù

Khi phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao ta thấy trước khi bị tha hóa, Chí đã từng có một cuộc sống cơ cực, bất hạnh nhưng tử tế. Từ thuở lọt lòng, Chí là một đứa trẻ hết sức khốn khổ, tủi nhục khi bị số phận cướp đi những điều bình thường nhất mà một đứa trẻ vốn có được. Chí bị cha mẹ mình bỏ rơi, trở thành một đứa trẻ vô thừa nhận và người ta nhặt được Chí trong bộ dạng “trần truồng và xám ngắt trong một cái váy đụp để bên cái lò gạch bỏ không”

Sau đó, Chí vô tình trở thành một món hàng giữa dòng đời khi bị hết người này đến người khác trong làng chuyền tay nhau nuôi. Ngay từ xuất phát điểm, có thể thấy Chí là một đứa trẻ đáng thương khi không được sống trong tình thân, không được đón nhận sự thương yêu, sự chăm sóc của cha, của mẹ. Sự sống của Chí có được có lẽ nhờ vào sự thương hại có chừng mực của những người làng khi họ cũng phải sống đời vất vả và lam lũ. Họ chỉ có thể giúp Chí trong thời gian có hạn chứ không thể cưu mang Chí cả đời. 

Thời gian thấm thoát trôi qua, Chí cứ thế lớn dần nhờ đi ở cho nhà này đến đi làm thuê cho nhà khác. Năm Chí hai mươi tuổi, Chí làm canh điền cho lí Kiến. Khi phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao, ta thấy Chí chấp nhận kiếp sống làm trâu, làm ngựa của kẻ làm thuê, người đi ở. Chí cũng đã nuôi trong mình một mơ ước là “có một gia đình nhỏ. Chồng làm cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải” rồi “lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”

Đó là ước mơ rất đỗi bình dị nhưng lương thiện của một anh canh điền. Sống đến tuổi hai mươi, tuy không nhiều nhưng Chí không để cho sự đúng sai bị nhập nhằng, lẫn lộn. Phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao, người đọc cũng thấy Chí chấp nhận đổi sức mình làm giàu cho nhà lí Kiến để có chén cơm nhưng cảm thấy nhục nhã khi bị bà Ba sai bóp chân, trong Chí có ý thức về bản thân khi không muốn trở thành một công cụ để thỏa mãn những dục vọng của người phụ nữ đó. Đó chính là tất cả những nét chất phác, thật thà có trong Chí trước khi bị biến thành một nỗi ám ảnh của làng Vũ Đại.

Phân tích hình tượng nhân vật Chí Phèo qua bi kịch bị tha hóa

Từ một anh nông dân lương thiện, cuộc đời của Chí bị xô đẩy đi vào chỗ tha hóa. Nguyên nhân của sự tha hóa xuất phát từ thói dâm dục của bà Ba và sự ghen tuông vô lí của Bá Kiến. Chính vì thế, Chí dễ dàng bị một con người đầy thế lực như Bá Kiến cho đi tù như một cách trừng phạt vì đã làm gai mắt hắn ta. Bước ra từ nhà tù, Chí trở thành một con người hoàn toàn khác về ngoại hình: 

“Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mắt thì đen mà rấy cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế”.

Phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao, ta còn thấy không chỉ có sự đổi khác về nhân hình, mà cả tính cách Chí Phèo cũng trở nên biến dạng. Chí trở thành một kẻ sống triền miên trong những cơn say, chuyên đi sinh sự, rạch mặt, ăn vạ và bị Bá Kiến – tác nhân đẩy Chí Phèo vào tù mua chuộc, Chí Phèo là tay sai đắc lực của hắn ta và là con quỷ dữ của làng Vũ Đại.

Như vậy có thể thấy, chính sự áp bức bóc lột đến tàn khốc ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, sự cấu kết gian trá của nhà tù thực dân và bọn cường hào ác bá đã sản sinh ra một Chí Phèo côn đồ, lưu manh. Mặc dù ban đầu vốn là người tử tế, hiền lành nhưng dưới sự chèn ép, vùi dập của xã hội đen tối kia, người dân lương thiện lại bị đẩy đến chỗ cùng đường, trở thành một con người chất chồng tội lỗi. 

Không chỉ vậy, họ còn bị những kẻ thống trị có thế lực điều khiển, lợi dụng để rồi từ chỗ bị biến dạng về nhân hình, những nạn nhân như Chí Phèo bị tha hóa cả về nhân tính. Phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao, ta dễ dàng nhận ra Chí lớn lên dù có bằng sự thương hại của dân làng nhưng dù sao đi chăng nữa họ cũng đã dùng tình người để đối đãi với một đứa trẻ bất hạnh như Chí Phèo. Vậy mà về sau, Chí Phèo lại trở thành kẻ ghê sợ, gieo rắc biết bao tai ương cho cuộc sống của mọi người tại nơi mà ngày trước hắn đã được nuôi nấng và lớn lên.

Phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao – Ngữ Văn 11

Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người khi phân tích nhân vật Chí Phèo ngữ văn 11

Phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao để thấy ngoài bi kịch bị tha hóa, Chí còn phải đón nhận một bi kịch khác đau đớn hơn, xót xa hơn, đó là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người.

Ngay từ sau khi ra khỏi nhà tù, xuất hiện với tiếng chửi bất mãn đối với trời, với đời và cả làng Vũ Đại, Chí Phèo như bị mọi người gạt ra khỏi cuộc sống bởi không một ai đáp lại tiếng chửi đó của hắn cả. Từ lúc này, Chí Phèo đã phải đón nhận bi kịch của kiếp sống cô độc, bị cự tuyệt về sự tồn tại của mình. 

Nỗi đau giờ đây không chỉ đơn thuần dừng lại ở chỗ cơm không no, áo không lành hay sống vất vưởng, không người thân, họ hàng mà là nỗi đau bị hắt hủi, ghẻ lạnh. Nếu ngày xưa, đứa bé “trần truồng và xám ngắt” chỉ bị người thân từ bỏ nhưng còn có người này người kia rủ lòng thương xót thì giờ đây dường như không có một thừa nhận sự tồn tại của Chí Phèo.

Khi gặp Thị Nở, lương tri của Chí Phèo như được thức tỉnh sau những tháng ngày triền miên trong những cơn say. Chí Phèo nghe được những âm thanh thường nhật – những âm thanh “hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy”. Chí Phèo có cơ hội nhớ lại những ước mơ bình dị ngày xưa mà mình từng có và lần đầu tiên trong đời, Chí Phèo nghĩ đến sự cô độc và tương lai khi “trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau” nhưng sợ nhất vẫn là sự cô độc.

Đặc biệt, sau khi đón lấy bát cháo hành là biểu hiện của tình người mà lâu lắm rồi Chí Phèo mới cảm nhận được, Chí Phèo xúc động và như được tái sinh lần nữa. Chí Phèo nhận ra mình “thèm lương thiện” rồi “muốn được làm hòa với mọi người biết bao”. Trong Chí Phèo đột nhiên có một niềm mong mỏi khôn xiết là sẽ được “họ nhận lại hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện”.

Tuy nhiên, những mong muốn lẽ ra đáng được khuyến khích của Chí Phèo chỉ lóe lên trong bản thân Chí mà không được mọi người tiếp sức, thậm chí đáp lại còn là sự cự tuyệt đến phũ phàng. Khi phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao, ta thấy ước mơ sống lương thiện của Chí trở nên vỡ tan trước sự phản đối kịch liệt của bà cô thị Nở và sự chối từ của chính thị Nở. Họ chính là lực lượng đại diện cho định kiến của xã hội khiến hi vọng của Chí Phèo tan thành khói mây.

Trong lúc tuyệt vọng nhất vì bị đẩy đến chỗ bế tắc (không muốn quay lại làm kẻ lưu manh nhưng sống lương thiện không được chấp nhận), Chí Phèo lại có đủ sự tỉnh táo để ý thức được tác nhân nào đã dồn mình đến chỗ cùng đường như thế. Cách Chí Phèo đòi Bá Kiến trả lại sự lương thiện, hành động cầm dao đâm chết Bá Kiến và tự kết liễu đời mình là biểu hiện mạnh mẽ nhất của một ý thức muốn vùng thoát khỏi lớp da quỷ dữ đeo đẳng cuộc đời Chí Phèo bấy lâu nay. 

Tìm đến cái chết cũng là cách Chí Phèo tìm được sự sống một con người. Ngày xưa khi ra tù, để tồn tại, Chí Phèo chấp nhận bán lương tri cho quỷ dữ nhưng giờ đây, để cho thấy ý thức của một con người về nhân phẩm, Chí Phèo chấp nhận hi sinh mạng sống của chính mình để triệt tiêu cái lốt quỷ đã chế ngự mình. Hành động quyết liệt đó của Chí Phèo cho thấy một điều, dù xã hội có cự tuyệt quyền làm người, Chí Phèo cũng mong có cơ hội được đón nhận lại một lần nữa.

Nhận xét khi phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao lớp 11

Tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao không chỉ khắc họa được cuộc sống hiện thực mà còn chuyển tải giá trị nhân đạo sâu sắc. Khi phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao, ta thấy thông qua tác phẩm, nhà văn đã thể hiện chân thực cuộc sống cùng cực, đau khổ đến độ bị đẩy đến con đường tha hóa, lưu manh, không lối thoát của người nông dân nghèo. Bên cạnh đó, nhà văn cũng bộc lộ tiếng nói phê phán mạnh mẽ sự tàn bạo của xã hội thực dân phong kiến và sự nhẫn tâm của những định kiến xã hội. 

Đáng quý hơn cả có lẽ chính là tình cảm trân trọng, sự nâng niu của tác giả đối với những người có ý thức về bản chất tốt đẹp của họ dù hoàn cảnh có nghiệt ngã đến như thế nào. Để có thể chuyển tải được những nội dung ý nghĩa nói trên, Nam Cao đã tổ chức, sắp xếp, dẫn dắt truyện trong một kết cấu độc đáo. Cùng với đó là cách lựa chọn, sử dụng ngôn từ vừa bình dị, tự nhiên nhưng vô cùng sống động của nhà văn. Khi phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao, ta còn thấy một điểm đáng kể về nghệ thuật chính là cách miêu tả tâm lí và xây dựng nhân vật mang tính điển hình.

Kết luận: Qua nhân vật Chí Phèo, nhà văn đã thể hiện cái nhìn nhân đạo của mình đối với những kiếp người khốn khổ. Dù trong đời có những phút giây họ đánh mất đi sự hiền lành, chất phác, bị xã hội tàn ác cướp đi cả nhân hình và nhân tính, Nam Cao vẫn có một niềm tin mạnh mẽ ở họ về sự hiện hữu của bản chất lương thiện.

Dàn ý phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao trong Ngữ Văn 11

Nhằm giúp các bạn nắm được nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, ý chính trong bài viết về chủ đề trên cũng như tư tưởng và thông điệp mà tác giả đã gửi gắm, Aiti-aptech.edu.vn sẽ giúp bạn lập dàn ý phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao. 

Mở bài phân tích hình tượng nhân vật Chí Phèo lớp 11

  • Giới thiệu đôi nét sơ qua về nhà văn Nam Cao cùng tác phẩm Chí Phèo.
  • Giá trị hiện thực cùng nhân đạo của truyện ngắn cũng như ý nghĩa tác phẩm.
  • Đề cập Chí Phèo chính là nhân vật trung tâm của tác phẩm với nhiều bi kịch của kiếp người để lại trong lòng độc giả những ám ảnh sâu sắc.

Thân bài phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao

  • Hoàn cảnh xuất hiện của nhân vật Chí Phèo.
  • Cuộc sống trước đây của Chí Phèo (trước khi bị tha hóa): lai lịch, xuất thân, hoàn cảnh…
  • Phân tích nhân vật Chí Phèo sau khi ra tù.
  • Phân tích Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở và bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người.
  • Tìm hiểu về nghệ thuật xây dựng nhân vật Chí Phèo của Nam Cao.
    • Xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình.
    • Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật Chí Phèo của Nam Cao.
    • Cách sử dụng ngôn ngữ giản dị, mộc mạc nhưng đầy ám ảnh.

Kết bài phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao

  • Khái quát lại những nét tính cách của Chí Phèo.
  • Tóm tắt giá trị và ý nghĩa của tác phẩm này.
  • Thể hiện suy nghĩ của bản thân khi phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao.

Như vậy, khi phân tích hình tượng nhân vật Chí Phèo, ta thấy nhân vật chính là một điển hình về sự lưu manh hóa ở nông thôn trong xã hội cũ. Chí Phèo mang ý nghĩa kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo đẩy những người nông dân nghèo khổ vào kiếp sống tối tăm mù mịt không lối thoát, đồng thời cướp đi của họ cả bộ mặt cũng như linh hồn. Việc phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao qua câu hỏi cuối cùng của Chí “Ai cho tao lương thiện?” đã khiến mỗi người thêm uất ức, đau đớn và đầy ám ảnh về cuộc đời tăm tối của nhân vật này. 

Tác phẩm Chí Phèo vừa mang giá trị hiện thực sâu sắc lại đẫm chất nhân đạo cao đẹp. Bên cạnh đó, truyện ngắn còn mang ý nghĩa triết lý đầy sâu sắc được thể hiện dưới hình thức nghệ thuật vô cùng độc đào, xứng đáng được coi là một kiệt tác của văn học nước nhà. Hy vọng qua những phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao trong bài viết trên đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích. Chúc bạn luôn học tốt!. 

Xem thêm:

Tu khoa lien quan:

  • giới thiệu nhân vật chí phèo
  • cảm nhận về nhân vật chí phèo
  • dàn ý phân tích nhân vật chí phèo
  • tóm tắt hình tượng nhân vật chí phèo
  • phân tích nhân vật chí phèo ngữ văn 11
  • hình tượng nhân vật chí phèo ngắn gọn
  • mở bài hay phân tích nhân vật chí phèo
  • phân tích nhân vật chí phèo của nam cao
  • phân tích nhân vật chí phèo sau khi ra tù
  • phân tích nhân vật chí phèo của học sinh giỏi
  • hình tượng nhân vật chí phèo trước khi vào tù
  • phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật chí phèo
  • phân tích nhân vật chí phèo sau khi gặp thị nở
  • phân tích hình tượng nhân vật chí phèo lớp 11
  • nghị luận văn học phân tích nhân vật chí phèo

Tác giả: Việt Phương

aiti-aptech: