Phân tích tính nhân đạo trong tập Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh

Phân tích tính nhân đạo trong tập Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh

Phân tích tính nhân đạo trong tập Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh – Bài làm 1

Tập thơ Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh chứa đựng nhiều bài học sâu sắc về tư tưởng, đạo đức và nhân cách của người cộng sản. Một trong những giá trị nổi bật của tác phẩm chính là tinh thần nhân đạo rộng lớn, sâu xa. Tình cảm nhân đạo của Bác bắt nguồn từ truyền thống đạo lí Thương người như thể thương thân của dân tộc ta từ bao đời nay. Điểm nổi bật nhất trong đạo đức Hồ Chủ tịch là lòng thương người. Chính lòng thương người đã thúc đẩy Bác ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước thoát khỏi đêm dài nô lệ của phong kiến, thực dân.

Dù ở bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, trái tim nhân ái của Bác cũng hướng tới con người với những vui buồn muôn thuở. Bác xót xa khi nghe tiếng khóc trẻ thơ vang lên trong ngục tối. Chế độ nhà tù dã man bắt giam cả những em bé vô tội:

Oa! Oa! Òa!

Cha trốn không đi lính nước nhà.

Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi,
Phải theo mẹ đến ở nhà pha.
(Cháu bé trong nhà lao Tân Dương)

Chứng kiến cảnh người vợ đến thăm chồng trong tù, Bác xót xa thay cho họ:

Anh đứng trong cửa sắt,
Em đứng ngoài cửa sắt.
Gần nhau trong tấc gang,
Mà biển trời cách mặt.
… Chưa nói lệ tuôn đầy,
Tình cảnh đáng thương thật!
(Vợ người bạn tù đến thăm chồng)

Bị giam cầm chung với đủ loại người, Bác quan tâm và thông cảm với từng số phận éo le. Bác ngậm ngùi trước cái chết tội nghiệp của một người tù cờ bạc: Đêm qua còn ngủ bên tôi, Sớm nay anh đã về nơi suối vàng. Bác chia sẻ nỗi khổ của những người tù nghèo luôn phải sống trong đói khát, đọa đày: Tù “cứng” ngày ngày no rượu thịt, Tù nghèo nước mắt bọt mồm tuôn.

Tình thương yêu của Bác bắt nguồn từ tình thương yêu giai cấp, dân tộc và nhân loại của người chiến sĩ cộng sản chân chính. Bác dành trọn lòng ưu ái cho người lao động phải vất vả, nhọc nhằn kiếm sống. Trên đường bị áp giải từ nhà lao này sang nhà lao khác, Bác quên nỗi đau đớn của bản thân và bày tỏ sự thông cảm đối với những người phu làm đường lam lũ:

Dãi gió dầm mưa chẳng nghỉ ngơi,
Phu đường vất vả lắm ai ơi.
Ngựa xe, hành khách thường qua lại,
Biết cảm ơn anh được mấy người ?
(Phu làm đường)

Đọc Thêm  TIẾT LỘ mới nhất về cách thử mỹ phẩm NHANH và ĐƠN GIẢN!

Mặc dù sống trong cảnh tù đày nơi đất khách, Bác vẫn coi những người nông dân ở đây như ở quê hương, đất nước mình. Bác vui cùng họ niềm vui được mùa:

Khắp chốn nông dân cười hớn hở,
Đồng quê vang dậy tiếng ca vui.
(Cảnh đồng nội)

Chia sẻ nỗi buồn với họ lúc mất mùa:
Nghe nói năm nay trời đại hạn,
Mười phân thu hoạch chỉ vài phân.
(Từ Long An đến Đồng Chính)

Trong chốn lao tù, Bác đã trải qua bao khổ cực tưởng chừng như không vượt qua nổi. Nhiều đêm, thân thể Bác bị đau đớn vì xiềng xích, gông cùm còn tinh thần thì băn khoăn, day dứt bởi suy nghĩ về tình cảnh đất nước, về nỗi đau vô tận của con người. Tình thương giúp Bác tăng thêm nghị lực để chiến thắng gian nan, thử thách và củng cố lòng tin vững chắc vào thiên lương của con người. Bác khẳng định :

Hiền dữ phải đâu là tính sẵn,
Phần nhiều do giáo dục mà nên.
(Nửa đêm)

Trái tim nhạy cảm của Bác dễ dàng rung động trước những trạng thái tình cảm thật tinh vi, tế nhị của con người. Nghe tiếng sáo của người bạn tù, Bác nhận ra trong đó nỗi nhớ quê hương tha thiết và một nỗi buồn khôn tả. Bác âm thầm chia sẻ nỗi niềm tâm sự ấy và trí tưởng tượng bay bổng của Bác còn hình dung ra cảnh ở nơi xa xôi nào đó, có người thiếu phụ cô đơn đang bồi hồi ngóng trông chồng, cố bước lên cao thêm một tầng lầu nữa để nghe cho rõ tiếng người thân:

Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu,
Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu.
Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi,
Lên lầu ai đó ngóng trông nhau.
(Người bạn tù thổi sáo)

Qua Nhật kí trong tù, chúng ta thấy tình thương của Bác Hồ đối với con người thật rộng lớn và sâu sắc. Tình yêu thương mênh mông như trời biển ấy ôm trùm lên cỏ cây, sông núi và nhân loại. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi: Bác ơi tim Bác mênh mông thế, Ôm cả non sông mọi kiếp người. (Theo chân Bác).

Phân tích tính nhân đạo trong tập Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh – Bài làm 2

Nhật kí trong tù là cuốn nhật kí bằng thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chí khí vững như thép trước lao tù của chế độ Tưởng Giới Thạch vạn ác, tâm hồn sáng như gương của một vị lãnh tụ, của một con người đã đưa đến sự ra đời của một tác phẩm văn học xuất sắc ngoài ý muốn của Người. Sức sống của Nhật kí trong tù thể hiện ở nhiều mặt: Một báo cáo trạng đanh thép, một tâm lòng yêu nước thiết tha, một tinh thần quốc tế vô sản đứng đắn, một tinh thần lạc quan đến lạ lùng, một bút pháp tả cảnh, tả tình điêu luyện…

Song, cái giá trị lớn nhất, cái đi vào lòng người mạnh mẽ nhất chính là tinh thần nhân đạo cao cả bao trùm toàn bộ tập thơ. Tinh thần nhân đạo chính là tình thương yêu và kính trọng con người. Là người Việt Nam được kế thừa truyền thống tốt đẹp của cha ông, cả cuộc đời hy sinh phấn đấu của Bác chính là thể hiện cao đẹp cái tính người ấy. Ngay từ những ngày đầu ra đời tìm đường cứu nước, Bác đã biết bao lần nhỏ lệ cho nỗi đau của con người.

Đọc Thêm  Định nghĩa máy biến áp là gì? Công suất định mức của máy biến áp?

Ở nước ngoài, Bác lên tiếng bênh vực người cùng khổ. Khi về nước lãnh đạo cuộc đấu tranh Bác suốt đời nêu tấm gương sáng vì nước, vì dân. Tâm nguyện lớn lao của Bác là mong cho nước nhà chóng được độc lập, ai ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai ai cũng được học hành. Con người suốt đời áo vải ấy lại luôn luôn dành sữa để em thơ, lụa tặng già. Tinh thần nhân đạo sâu sắc có trong máu thịt của vị lãnh tụ. Tình người bao la ấy cũng được thể hiện đẹp đẽ trong văn chương. Nhận định về thơ Bác, nhà phê bình văn học Hoài Thanh nhấn mạnh: “Cái ánh sáng tỏa ra từ tâm hồn Bác, qua thơ Bác, trước hết là ánh sáng của tình thương người”. Ở trong tù, bản thân mình bị đày đọa, đau đớn, ghẻ lở, mất tự đo nhưng Bác tự quên mình. Bác thương cháu bé trong nhà lao Tân Dương:

Oa…! Oa…! Oa…!

Cha trốn không đi lính nước nhà

Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi

Phải theo mẹ đến ở nhà pha.

Có chế độ nào tàn ác hơn thế. Một cháu bé mới vừa nửa tuổi cũng phải theo mẹ vào nhà tù. Tiếng khóc của cháu bé cất lên từ tù ngục, phải chăng cũng chính là tiếng khóc của Người! Khóc cho người sống, khóc cho người chết, nhìn thấy nỗi thống khổ của người là tim Bác quặn đau:

Thân anh da bọc lấy xương

Khổ đau, đói rét hết phương sống rồi

Đêm qua còn ở bên tôi

Sáng nay, anh đã về nơi suối vàng.

Tiếng khóc báo hiệu cho cái chết. Biết bao người đã chết trong nhà lao vạn ác này. Và sự cảm thông với nỗi đau của con người lại được diễn tả tiếp trong thơ Bác:

Than ơi! chàng ơi, hỡi chàng ơi

Duyên cớ vì sao lại lánh đời

Nào biết tìm đâu cho thấy được

Bạn đời gắn bó một đời tôi.

(Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng)

Tiếng khóc chồng não ruột giữa đêm khuya đã làm tan nát một gia đình. Nỗi đau sâu thẳm về một kiếp người trong bài thơ là thể hiện tấm lòngnhân đạo mênh mông của Bác.

Thương người Trung Quốc bị đau đớn. Bác đã thể hiện một tinh thần nhân đạo mang tính quốc tế vô sản, là thể hiện lòng thương nước, thương nòi:

Ngoại cảm trời Hoa cơn nóng lạnh,

Nội thương đất Việt cảnh lầm than

Trong tù mắc bệnh càng đau khổ

Đáng khóc mà ta cứ hát tràn.

(Ốm nặng)

Rõ ràng là ở trong tù, Bác thương người chính là thương mình, thương dân mình. Bị giam hãm ở nhà tù của Tưởng Giới Thạch, chứng kiến nỗi đau của người dân Trung Hoa, Bác muốn gởi gắm về với đất Việt lòng nhớ thương da diết của mình với đồng bào.

Thật là có lí khi Tố Hữu viết:

Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Đọc Thêm  Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu – Văn học 11

Ôm cả non sông mọi kiếp người.

Nhà phê bình văn học Nga Bê-lin-xki, trong các tác phẩm phê bình văn học bất hủ của mình có nói tới tình yêu thương mênh mông và lòng kính trọng vô hạn đối với con người. Điều nhận xét sâu sắc ấy đối với các tác phẩm văn học Nga cũng thật đúng với giá trị của tập thơ Nhật kí trong tùcủa Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi cái tình nhân đạo của con người và thơ của Bác là sự kết tinh chẳng những cái nhân văn Việt Nam vốn cổ từ trong cốt lõi tâm hồn người dân Việt thương cái chất người nói chung của nhân loại hòa nhập trong tâm hồn Bác. Cho nên, trong Nhật kí trong tù của Bác, chúng ta còn thấy lòng kính trọng vô hạn đối với con người. Đó là nỗi lo lắng chân thành về cuộc sống khốn khổ của người dân và phẩm chất tốt đẹp, trong sáng của họ:

Vùng đây tuy ruộng đất khô cằn

Vì thế nhân dân kiệm lại cần

Nghe nói xuân này trời đại hạn

Mười phần thu hoạch chỉ đôi phần.

Trong bài Người bạn tù thổi sáo, Bác như cảm thương cái sầu chia li của họ, cảm thông với mất mát tinh thần của họ. Cảm thương kính trọng con người trong bài thơ Bác còn chính là thấy được công việc vất vả, cực nhọc của con người.

Dãi nắng dầm mưa chẳng nghỉ ngơi

Phu đường vất vả lắm ai ơi.

Ngựa xe hành khách thường qua lại

Biết cảm ơn anh được mấy người.

(Phu làm đường)

Từ nhân sinh quan đúng đắn và đẹp đẽ, Bác như nói với mọi người hãy chú ý, quan tâm, biết ơn người lao động. Bởi cái dãi nắng dầm mưa của họ chính là cái lao động đem lại hạnh phúc cho con người. Bát cơm chúng ta ăn, tấm áo chúng ta mặc, con đường chúng ta đi chính là đo mổ hôi nước mắt của bao người đem tới. Đây không chỉ là lòng thương người mà chính là sự kính trọng, biết ơn con người rất Việt Nam ăn quả nhớ kẻ trồng cây của Bác.

Đọc Nhật kí trong tù của Bác chúng ta thấy được cái vĩ đại, cái nhân sinh, cái tài hoa của một con người, một lãnh tụ, một nhà thơ. Sức sống của tập nhật kí bằng thơ ấy chẳng những đọc trăm bài trăm ý đẹp mà trước hết, chính là chúng ta thấy được cái mênh mông bát ngát tình được thể hiện chân thực trong thơ Bác. Trái tim, tâm hồn và tài hoa ấy như ánh sáng của ngọn lửa ngời lên trong đêm tối, ánh sáng của một tấm lòng yêu thương con người vô hạn. Và chính bằng thứ ánh sáng đó, bằng nghị lực của chính mình, Bác đã hun đúc cho chúng ta sức mạnh để vượt qua khổ đau, biết tin, biết mơ ước, biết hành động cho ngày mai tự do, ấm no, hạnh phúc.

Danh mục: Văn họcTừ khóa:

Bài viết cùng chủ đề:

About the Author: aiti-aptech

You May Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *